banner 1
banner 2
banner 3
banner 4

Năm 2016 tiếp tục thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH

Năm 2016 tiếp tục thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH - 1
Theo Bộ GDĐT, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi; thực hiện tổng kết, chú trọng đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thực tế, khả thi để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ma trận đề thi, đề thi minh họa theo hướng đánh giá năng lực, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng các rủi ro và các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi.
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cho thấy, phương án thi mới đã góp phần phân tầng chất lượng giáo dục, các trường được tự chủ hơn trong tuyển sinh.


 
Một điểm mà dư luận lo ngại trước kỳ thi là đề thi có hoàn thành được cả hai nhiệm vụ : vừa bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp không có biến động nhiều so với mọi năm mà vẫn tuyển được học sinh giỏi vào các trường ĐH. Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ GDĐT, đề thi đã được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện.
Đề thi có phần kiến thức cơ bản để đáp ứng đánh giá tốt nghiệp, đồng thời có độ phân hóa cao để phục vụ cho mục đích tuyển sinh, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao. Phổ điểm phân bố đều và rộng từ điểm 1 đến điểm 10 nhưng số học sinh đạt điểm 10 và điểm cao năm nay ít hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi cũng cần phải điều chỉnh để phân loại thí sinh hơn nữa. Năm 2015, theo nhân xét của giáo viên, có đến 60% câu hỏi của đề thi dành cho mục tiêu tốt nghiệp, 40% là câu hỏi khó để phân loại. Tỷ lệ này cần phải thay đổi để tăng chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ. Cùng với đó, Bộ cũng cần điều chỉnh điều kiện để đỗ tốt nghiệp.
Hạn chế lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 xuất phát từ quy định thí sinh được lựa chọn 4 nguyện vọng trong cùng một trường. Điều này đã đặt mục tiêu đỗ đại học lên trên sự đam mê, năng khiếu nghề nghiệp... những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Bởi vậy, theo các chuyên gia, nên quy định thí sinh được phép 2 nguyện vọng theo ngành học vào 2 trường ĐH ở các phân tầng khác nhau.